Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Từ hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, đến tham gia xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng. Hàng loạt mô hình cây ăn quả an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, sản xuất rau màu… đã dần được hình thành và nhân rộng.
Đáng chú ý, nhiều mô hình phát triển theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ với các HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần định hình vùng chuyên canh bền vững. Tiêu biểu là mô hình sản xuất và tiêu thụ nhãn của HTX Nông sản sạch Minh Bảo ở xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu cũ - nay là xã Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, một điển hình cho sự đổi thay tư duy canh tác theo hướng an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Diện tích nhãn của HTX Nông sản sạch Minh Bảo ở xã Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tú Thành.
HTX Nông sản sạch Minh Bảo (HTX Minh Bảo) được thành lập năm 2016 với 20 thành viên. Trang trại của HTX hiện có diện tích hơn 6 mẫu Bắc Bộ, chuyên canh nhãn theo hướng cải tạo giống, áp dụng đồng bộ quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng quả, hạ giá thành sản xuất và bảo vệ tài nguyên đất, nước. Đây được xem là hướng đi đúng đắn, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, bền vững.
Đầu những năm 2000, ở vùng quê Bình Kiều, cây nhãn là niềm tự hào cũng trở thành nỗi trăn trở. Trồng nhiều, chăm mãi mà năng suất chẳng đạt, giá bán bấp bênh. Nhiều gia đình tiếc nuối đốn bỏ cả vườn nhãn để chuyển sang cây trồng khác. Nguyên nhân, theo anh Phạm Đức Long, Giám đốc HTX Minh Bảo không nằm ở giống cây, mà ở chỗ người nông dân thiếu kỹ thuật, chưa nắm vững quy trình canh tác.
Giữa lúc người người từ bỏ, anh Long lại đi ngược dòng, thu mua những gốc nhãn to, sau đó tiến hành ghép cải tạo giống, từ giống T1, T2 với nhãn ta truyền thống... Bằng sự cần mẫn, anh đã chứng minh được, nếu chăm đúng cách, nhãn vẫn là “vàng” của đất Hưng Yên.
Anh Phạm Đức Long, Giám đốc HTX Nông sản sạch Minh Bảo đang kiểm tra vườn nhãn canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: An Khang.
Từ năm 2002, anh bắt đầu đầu tư mạnh cho cây giống. Tới năm 2016, anh chính thức thành lập HTX Minh Bảo, quy tụ những người có kinh nghiệm và tâm huyết với cây nhãn. Cột mốc năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn khi giống nhãn Hương Chi do HTX phát triển cho năng suất cao, quả đẹp dần được đưa vào Tây Nguyên. Anh Long và cộng sự trực tiếp đi từng vùng đất, thuyết phục nông dân, hướng dẫn kỹ thuật. Kết quả sau vài năm, có năm HTX cung cấp tới hơn 10 vạn cây giống vào thị trường Tây Nguyên.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không kể hết. Đặc biệt, năm 2024, một năm giông bão theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã thực sự thử thách sức bền của vùng đất Khoái Châu. Những đợt mưa lớn bất thường, bão lũ lụt dồn dập đã tràn về sau vụ nhãn vừa thu hoạch xong, để lại những tàn tích nặng nề. Dù diện tích nhãn của HTX thoát được phần nào nhờ thu sớm, nhưng không ai kịp trở tay với gần một mẫu Bắc Bộ trồng táo, có những cây trĩu trịt cả tạ quả, tan hoang trong chớp mắt, thiệt hại khi ấy không thể đếm nổi.
Chính thời khắc đó, HTX Minh Bảo càng kiên định hơn với con đường đã chọn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững và an toàn. Từ đó, một làn sóng chuyển đổi đã lan rộng khắp xã Khoái Châu bây giờ. Ngày càng nhiều hộ gia đình tin tưởng và làm theo hướng dẫn của HTX, dần dà hình thành nên một vùng nhãn hữu cơ xanh mướt, vững chãi trước biến đổi khí hậu và những rủi ro sản xuất truyền thống.
Với tư duy làm nông nghiệp bài bản, bền vững, anh Phạm Đức Long là người tiên phong tái sinh những gốc nhãn già, từng bước đưa đặc sản nhãn lồng Hưng Yên vươn xa. Ảnh: An Khang.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định rõ triết lý sản xuất, an toàn, bài bản và có kiểm soát. Các quy trình từ bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến cắt tỉa, tạo tán đều tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, dựa trên nguyên tắc “4 đúng”. Không dừng lại ở đó, mô hình hữu cơ cũng dần hình thành, phân bón hóa học được thay thế bằng phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp chế phẩm vi sinh. Một số hộ còn sáng tạo sử dụng ngô, cá, đỗ tương ủ suốt 6 tháng để tạo ra phân sinh học chất lượng cao.
Thay vì dùng thuốc hóa học, người trồng nhãn tận dụng các bài thuốc dân gian, dùng gừng, tỏi, ớt giã nhỏ để làm dung dịch xịt chống côn trùng giúp bảo vệ cây trồng hiệu quả, giữ được chất lượng quả sạch, không tồn dư, đáp ứng yêu cầu của siêu thị, nhà hàng và thị trường tiêu dùng cao cấp.
Tú Thành - An Khang
Nguồn: https://nongnghiepmoitruong.vn/nang-tam-nong-san-tu-nhung-mo-hinh-trang-trai-ben-vung-d761047.html