Xuống xe khách Hưng Yên - Sông Mã (Sơn La), chúng tôi được ông Nguyễn Văn Vượng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xoài Sông Mã đón xuống thẳng bản Co Kiểng (xã Huổi Một), nơi ông cùng các thành viên trong HTX liên kết sản xuất xoài VietGAP xuất khẩu.
Một góc đồi xoài VietGAP của ông Vượng. Ảnh: Hải Tiến.
Qua trò chuyện, biết là người cùng quê, ông Vượng nói thật, gia đình ông ở Hưng Yên lên định cư tại huyện Sông Mã (cũ) từ những năm đầu 1960, khi đó đất rộng, người thưa, rất thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt theo lối sống tự túc nên không ai bị đói ăn, đứt bữa. Sau này, nông nghiệp nước ta chuyển sang sản xuất hàng hoá, vì địa bàn Sông Mã ở vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, vẫn sản xuất nhỏ lẻ với cơ cấu cây trồng cũ nên đa số người dân ở đây đều thuộc diện hộ nghèo.
Phải tới năm 2015, được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cử cán bộ khoa học lên phối hợp cùng cơ quan khuyến nông sở tại cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích trồng trọt hiệu quả kinh tế thấp sang thâm canh xoài và một số cây ăn quả khác có giá trị hàng hoá cao, ông Vượng và bà con các dân tộc nơi đây mới từng bước đổi đời rõ nét.
Các vườn xoài đều được bao trái nên quả nào cũng cho mã đẹp, sạch sâu bệnh. Ảnh: Hải Tiến.
Để trồng xoài đạt hiệu quả cao, ông Vượng đã cùng các hộ trong HTX chọn những vạt đồi có tầng đất dày trên 1 m, giàu mùn, giàu dinh dưỡng, độ pH từ 6 - 7,5 và gần các mó nước núi giúp dẫn tưới tự động cho cây trồng, nhất là vào các thời kỳ vườn cây mới trồng 1 - 3 năm tuổi, cây ra hoa, đậu quả và nuôi quả. Làm theo cách này, HTX đã giảm được đáng kể tiền mua phân bón các loại, không cần đầu tư điện máy và xăng dầu bơm tưới. Sau xuống giống 3 năm, mỗi cây xoài cho trung bình 45 - 50 trái, tương ứng năng suất đạt 10 tấn quả/ha (đã loại trừ những trái không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu).
Để cây xoài sai quả, đạt tỷ lệ xuất khẩu cao, HTX còn phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chọn trồng giống xoài GL4, bón phân cân đối, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn cây, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chú trọng tỉa cành, bấm ngọn, vệ sinh vườn xoài sau thu hoạch, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.
Trong đó, phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh bón lót trước trồng và bón thúc sau thu hoạch từ 6 - 30 kg/gốc (tuỳ loại), NPK mỗi lần chỉ bón 1,5 - 2 kg vào các thời điểm bắt đầu có quả non, nuôi quả (tháng 4 - 5) và ngay sau kết thúc vụ thu hoạch. Đồng thời cắt bỏ những cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh. Trước khi cây phân hoá mầm hoa (cuối tháng 10) phun phân siêu lân, kết hợp bấm các ngọn cành cấp 3 và 4 ở đợt ra lộc thứ nhất để kích thích cây cho sai hoa, nhiều quả.
Trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Hải Tiến.
Theo ông Vượng, xoài trồng ở khu vực này bị nhiễm khá nhiều sâu, bệnh như thán thư, phấn trắng, sâu ăn lá, ăn chồi, đục thân, bọ trĩ, rệp mềm hại hoa, quả non và ruồi vàng đục trái, nhưng nguy hiểm nhất, gây thiệt hại nặng nhất là bọ trĩ, ruồi vàng và sâu đục thân cây. Để phòng ngừa hiệu quả 3 đối tượng này, phải phun trừ bọ trĩ ngay khi cây xoài hình thành quả non và bao trái ngăn ruồi vàng lúc quả lớn bằng đầu ngón chân cái, kết hợp quét nước vôi thân, gốc cây sau mỗi vụ thu hoạch.
Bên cạnh đó phải thường xuyên thăm vườn, tìm lỗ sâu đục trên thân cây để luồn dây thép vào diệt trừ hoặc trộn thuốc bảo vệ thực vật với đất bịt kín miệng lỗ qua vết mùn gỗ sâu đùn ngoài vỏ cây.
Nhờ những cách làm trên, từ năm 2020 đến nay, trên diện tích 10 ha đồi xoài, dưới sự chèo lái của ông Vượng, năm nào HTX cũng thu được khoảng 100 tấn quả, doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng. Riêng năm 2025 này nhuận hai tháng 6 nên các cây ăn quả khác nói chung, bao gồm cây xoài đều ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch muộn hơn cùng kỳ năm trước chừng 1 tháng nhưng HTX vẫn đảm bảo sản lượng thu hoạch đạt 100 tấn xoài, tỷ lệ quả xuất khẩu đạt 80%, lợi nhuận ước đạt 900 triệu đồng.
Bao gói xoài xuất khẩu. Hải Tiến.
"Có được hiệu quả canh tác cao như trên còn do HTX được Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ túi bao quả thân thiện với môi trường và một số chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất khác", ông Vượng cho biết.
Theo kế hoạch, để nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập trên cây xoài, từ năm 2026, ông Vượng sẽ tác động kỹ thuật cho một phần diện tích xoài của HTX ra hoa, đậu quả trái vụ bằng cách phun chế phẩm điều hoà sinh trưởng PBZ (Paclobutrazol) lên tán cây vào tháng 10 và ngắt bỏ các chùm hoa chính vụ (trong tháng 2 năm sau), kết hợp với bón NPK qua gốc. Với cách làm này, khoảng 2 tháng sau cây xoài sẽ ra hoa, đậu quả trở lại, cho thu hoạch vào tháng 8 – 9. Kỹ thuật này đã được áp dụng thành công đại trà ở xã Mai Sơn (Sơn La).
Trái xoài được coi là ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc phải thu hoạch vừa tầm chín sinh lý, mang đầy đủ các đặc trưng cơ bản của giống, vỏ xanh, mã đẹp, không bị bầm giập, trầy xước, không có vết sâu bệnh, không tồn dư chất hoá học và vi sinh vật nguy hại theo quy định, trọng lượng phải đạt từ 0,7 kg/quả trở lên, thịt quả chắc, ngọt, thơm, ít xơ, hạt nhỏ.
Huyện Sông Mã (cũ) có hơn 1.700 ha xoài đang cho thu hoạch, sản lượng quả ước đạt 4.850 tấn, phân bố khá đồng đều tại các xã sau sáp nhập như Mường Hung (262 ha), Sông Mã (trên 260 ha), Chiềng Khoong (257 ha), Chiềng Sơ (243 ha), Mường Lầm (174 ha), Chiềng Khương (163 ha), Nậm Ty (135 ha), Bó Sinh (134 ha) và Huổi Một (80 ha).
Nguyễn Hải Tiến
Nguồn: https://nongnghiepmoitruong.vn/htx-vung-sau-son-la-trong-xoai-vietgap-xuat-khau-d760936.html