Sầu riêng Trung Quốc trong cuộc đua cạnh tranh với Đông Nam Á

Tin nhanh nông nghiệp
22-04-2025 09:12:53

Sự góp mặt của sầu riêng nội địa trên các kệ hàng Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây đã thổi bùng cơn sốt nông nghiệp nhiệt đới tại thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để có thể sánh vai và cạnh tranh với các đối thủ lớn ở Đông Nam Á, hành trình phía trước vẫn còn gian nan và đầy thách thức.

Chú thích ảnh

Người dân mua sầu riêng tại siêu thị Guo shuhao, thành phố Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mỗi ngày, từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, anh Huang Qijun âm thầm chăm sóc từng tán lá, bộ rễ của hơn 10.000 cây sầu riêng trong trang trại rộng gần 40 hecta. Tại tỉnh Hải Nam, nơi cực Nam Trung Quốc, những cây sầu riêng còn non đang nở rộ giữa mùa hoa, báo hiệu một vụ mùa mới bắt đầu.

Thời tiết ôn hòa và mưa nhẹ cuối tháng 3 là thời điểm báo hiệu anh Huang bắt tay vào công việc. Phần lớn trang trại được vận hành bằng công nghệ hiện đại: từng cây đều được gắn cảm biến theo dõi nhiệt độ và độ ẩm. Khi có cây “khát nước”, điện thoại thông minh của anh sẽ nhận thông báo – chỉ cần một cú chạm nhẹ, hệ thống tưới tiêu tự động sẽ lập tức hoạt động, phun nước lên cao như những cơn mưa nhân tạo.

Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng có thể nhờ cậy máy móc. Trên những triền đồi dốc, nơi robot không thể tiếp cận, anh Huang vẫn phải tự dùng tay nhổ cỏ. Đêm đến, khi hoa sầu riêng trắng ngà bắt đầu hé nở, quá trình thụ phấn lại phải thực hiện thủ công – tỉ mỉ và kiên nhẫn.

Một vài cây đã đậu quả sớm, những quả non hiện lấp ló sau tán lá. Anh Huang kiểm tra từng quả, chọn lọc những quả tốt nhất để giữ lại, rồi dùng dây buộc cẩn thận chúng vào cành. Nhờ đó, khi mùa hè đến và quả chín, chúng sẽ không bị rơi xuống đất mà vẫn giữ được hình dáng nguyên vẹn.

“Chăm cây từ lúc bé tí cho đến khi ra quả, cũng giống như nuôi một đứa trẻ, phải tỉ mỉ từng bước một”, anh Huang nói trong lúc đứng bên một cây bị cong do cơn bão năm ngoái. “Năm nay tôi chỉ giữ lại khoảng 5 đến 6 quả – dù cây có thể cho đến 15, 16 quả – để cây hồi sức.”

Trang trại của anh Huang là một trong những nơi đi đầu trong làn sóng trồng sầu riêng nội địa của Trung Quốc. Hầu hết những cây ở đây chưa đầy 5 tuổi, còn non hơn nhiều so với những cây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi ở Đông Nam Á, nơi sầu riêng từ lâu đã được tôn vinh là “vua của các loại trái cây” nhiệt đới.

Sầu riêng nội địa: Cơn sốt mới của Trung Quốc

Dù còn non, những cây sầu riêng nội địa như của anh Huang đang tạo nên một làn sóng đầu tư lớn chưa từng có. Trong 2 năm qua, sự xuất hiện nhỏ giọt của sầu riêng trồng trong nước trên các kệ hàng Trung Quốc đã kích hoạt một “cơn sốt vàng” trong ngành nông nghiệp nhiệt đới. Các nhà đầu tư đã đổ xô về Hải Nam và các tỉnh biên giới phía Nam như Vân Nam, Quảng Tây, biến những ngọn đồi bậc thang thành trang trại sầu riêng trải dài tít tắp.

Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hơn 85% lượng sầu riêng toàn cầu mỗi năm – đang từng bước chuyển mình từ nước nhập khẩu thuần túy sang quốc gia trồng loại quả này. Xu hướng này được gọi vui là “ngoại giao sầu riêng”, gắn liền với việc Bắc Kinh mở cửa thị trường trái cây cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, vừa để thỏa mãn nhu cầu khổng lồ trong nước, vừa củng cố quan hệ khu vực.

Tuy nhiên, ông Du Baizhong – Tổng giám đốc của Công ty nông nghiệp Youqi, đơn vị sở hữu hơn 200.000 cây sầu riêng tại Hải Nam – chia sẻ tham vọng sầu riêng nội địa thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu là điều xa vời.

“Ngay cả khi phủ kín toàn bộ đảo Hải Nam bằng sầu riêng, cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu trong nước”, ông nói. Số liệu năm 2024 từ Hải quan Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh nhập khẩu tới 1,56 triệu tấn sầu riêng tươi – trị giá gần 7 tỷ USD, liên tục phá kỷ lục trong bốn năm liền.

Trong suốt nhiều năm, Thái Lan là quốc gia duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc. Và phải đến năm 2022, Việt Nam mới phá vỡ thế độc quyền này, tiếp đó là Philippines năm 2023 và Malaysia năm 2024.

Chú thích ảnh

Sầu riêng xuất khẩu tập kết để xuất khẩu đi Trung Quốc tại Vựa trái cây Hùng Loan, 94 QL20, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chìa khóa của Trung Quốc: Sầu riêng chất lượng cao

Do điều kiện khí hậu không ổn định và chi phí lao động cao, sầu riêng Trung Quốc khó cạnh tranh về sản lượng và giá cả với hàng Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Baizhong tin rằng chiến lược duy nhất là tập trung vào trồng sầu riêng chất lượng cao.

“Đối với sầu riêng Trung Quốc, chỉ có một con đường phía trước: chúng ta phải tập trung vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Hải Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản. Nhật Bản có diện tích đất tương đối nhỏ, vì vậy họ ưu tiên chất lượng hơn tất cả trong phát triển nông nghiệp”, ông giải thích.

Tại Hải Nam, sầu riêng được để chín tự nhiên trên cây, sau đó vận chuyển bằng đường hàng không đến tay người tiêu dùng trong vòng 48 tiếng – đảm bảo hương vị tươi ngon nhất.

So với sầu riêng nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan, thường được hái sớm và ủ chín, sầu riêng chín cây Trung Quốc giữ được kết cấu đều, vị béo thơm và mang hương thơm tự nhiên.

Trong khi người dân Trung Quốc tiêu thụ hơn 85% sầu riêng toàn cầu hàng năm, thì người dân Hải Nam từ lâu vẫn tin rằng tỉnh nhiệt đới duy nhất của đất nước này vẫn không thích hợp để trồng sầu riêng, mặc dù khu vực này có vĩ độ tương tự như Đông Nam Á.

Các nỗ lực canh tác quy mô lớn trước đây đều thất bại, mặc dù một số cây riêng lẻ được trồng trong sân sau nhà đã ra quả.

Những người trồng sầu riêng ở Trung Quốc tập trung vào chất lượng để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước về loại quả cay nồng

Điểm mấu chốt nằm ở gió mùa ảnh hưởng sâu sắc đến thời tiết của hòn đảo, khiến nhiệt độ và lượng mưa thay đổi thất thường hơn – thay đổi giữa nắng và bão. Điều đó không lý tưởng cho cây sầu riêng, loại cây cần khí hậu ổn định hơn.

Từ mạo hiểm đến cơ hội: Cuộc chơi của những nhà đầu tư

Từng bị xem là “vùng cấm” cho cây sầu riêng do khí hậu khắc nghiệt và gió mùa thất thường, Hải Nam giờ đây là biểu tượng cho sự liều lĩnh và bền bỉ. Nỗ lực trồng quy mô lớn trước đây đều thất bại, nhưng giờ đây, hàng loạt ông chủ từ các ngành công nghiệp khác – từ chủ mỏ ở Sơn Tây đến đại gia sản xuất ở Quảng Đông – đều đổ tiền vào.

Ông Michael Wang, người nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh Maikou Wang, cho biết năm ngoái ông đã tiếp đón hơn 800 lượt nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực trồng sầu riêng. Không chỉ là chuyên gia tư vấn, ông Wang còn môi giới cây giống, đất đai và giảng dạy kỹ thuật canh tác.

“Sầu riêng là loại trái cây ‘ngược dòng’ nhất. Ngay cả khi nền kinh tế suy giảm, thị trường trái cây bấp bênh, lượng nhập khẩu sầu riêng vẫn tăng”, ông cho hay.

Diện tích trồng sầu riêng tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi mỗi năm trong vài năm gần đây. Hiện nay, vùng lý tưởng nhất để trồng là dải đất hẹp giữa vĩ độ 18 và 19 độ Bắc – chủ yếu nằm ở phía Nam đảo Hải Nam.

Dẫu vậy, tham vọng không dừng lại ở đó. Một số nhà đầu tư đang nhắm đến Tây Song Bản Nạp – vùng nhiệt đới nhỏ bé ở tỉnh Vân Nam, giáp ranh Myanmar và Lào. Dù còn sớm để nói trước điều gì, nhiều người tin rằng khu vực này đang ở “điểm bùng nổ” giống như Hải Nam năm 2020.

“Có thể cảm nhận rất rõ rằng bức tranh trồng sầu riêng ở Tây Song Bản Nạp hiện nay giống hệt như Hải Nam vào năm 2020 – một thời điểm cận kề bước ngoặt bùng nổ,” ông Wang nhận định.

Nguồn:https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-rieng-trung-quoc-trong-cuoc-dua-canh-tranh-voi-dong-nam-a-20250421165815181.htm

 

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Tags

    Cùng chuyên mục