Đắk Nông đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. Hiện nông dân đang tích cực chuyển đổi cây trồng chịu hạn tốt để ứng phó với thời tiết và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân gặp khó khăn trong sản xuất do hạn hán ngày càng gay gắt. Ảnh: Bảo Lâm
Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông thường xuyên đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài.
Trước diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên những loại cây có khả năng thích nghi tốt hơn với khí hậu khô hạn.
Tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), người dân đã xen canh cây mắc ca vào vườn cà phê, hồ tiêu. Loại cây này không chỉ chịu hạn tốt, tạo bóng mát cho cây trồng khác mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Điểu Pem, nông dân ở bon Bu Prăng 1 (xã Quảng Trực) cho biết, gia đình đã trồng 700 cây mắc ca xen trong 3 hecta cà phê. Nhờ nhu cầu nước tưới thấp, vào mùa khô anh chỉ cần tưới thêm rất ít nước cho mắc ca khi tưới cà phê.
Mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 4 tấn quả tươi. Năm 2024, anh bán mắc ca với giá 80.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Không riêng gì anh Điểu Pem, hiện nay, toàn xã Quảng Trực đã phát triển khoảng 1.470hecta cây mắc ca.
Theo ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, cây mắc ca đang khẳng định là loại cây trồng phù hợp trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt.
Mắc ca không chỉ cần ít nước mà còn có thể trồng xen với nhiều loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, điều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân trồng xen canh cây mắc ca vào vườn cà phê để ứng phó với hạn hán. Ảnh: Thanh Nga
Thích ứng với biển đổi khí hậu
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một hướng đi quan trọng.
UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2022–2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, hơn 8.557hecta các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su và điều sẽ được chuyển đổi sang những loại cây có tiềm năng, phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Từ năm 2022 đến nay, Đắk Nông đã triển khai mạnh mẽ kế hoạch này. Đến năm 2024, tỉnh đã chuyển đổi trên 1.615 hecta cây trồng, vượt 65% kế hoạch đề ra.
Trong đó, các loại cây không thích nghi đã được thay thế bằng mắc ca, hồ tiêu và nhiều loại cây ăn quả có giá trị.
Bên cạnh đó, hơn 440hecta cao su kém hiệu quả cũng đã được chuyển đổi sang mắc ca, cà phê, tiêu và cây ăn quả, chủ yếu tại các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil và Krông Nô.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Trước tình trạng hạn hán ngày càng gay gắt, nhiều nông dân đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ việc chuyển đổi cây trồng, cả về khả năng thích ứng và giá trị kinh tế.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nhằm nhân rộng các mô hình nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Nguồn:https://laodong.vn/ldt/tin-tuc/dak-nong-chuyen-doi-cay-trong-ung-pho-voi-han-han-khoc-liet-1493039.ldo