Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, hiện tại nguồn nước cung cấp đủ cho sản xuất nông nghiệp, tình trạng hạn hán, thiếu nước chỉ xảy ra cục bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định nguồn nước tại các khu vực trên cả nước hiện vẫn đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô 2024 - 2025, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương. Phía Cục đã nhanh chóng tổ chức Đoàn công tác để kiểm tra về tình hình hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Các chủ thủy điện phải xả dòng chảy tối thiểu để dòng sông không bị cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô tại Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo đó, trong tháng 3.2025, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có khoảng 71,03 ha lúa nằm ngoài khu tưới của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã Adơk, xã Trang và xã Kdang thuộc huyện Đăk Đoa bị hạn hán, thiếu nước, diện tích canh tác này đã được khuyến cáo không sản xuất trong vụ Đông Xuân 2024-2025 ngay từ đầu vụ do nguồn nước không đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất.
Đoàn công tác của Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi kiểm tra về tình hình hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.
Tỉnh Kon Tum có 3ha khu tưới đập Đăk Tu Wit (xã Vinh Quang, TP Kon Tum) bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, tuy nhiên khu vực đã được bơm tưới bổ sung nước kịp thời nên hiện tại đã hết ảnh hưởng. Hiện nay, trong khu vực Tây Nguyên nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước.
Trong thời gian tới, phía Cục tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn trong và ngoài nước cung cấp; tổ chức dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện xây dựng kế hoạch điều tiết chặt chẽ, bảo đảm bổ sung nguồn nước cho hạ du phù hợp với khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện. Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.
Ngoài ra, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cũng cho biết thêm tại khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ dung tích trữ trung bình các hồ chứa thủy lợi thấp hơn dung tích thiết kế và thấp hơn so với TBNN tuy nhiên không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Nguồn:https://laodong.vn/moi-truong/han-han-thieu-nuoc-o-tay-nguyen-chi-xay-ra-cuc-bo-1485825.ldo