Với những lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chiến lược xuất khẩu theo hướng “xanh - sạch - số” để thích ứng với yêu cầu của thị trường toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính
Để hướng đến xuất khẩu bền vững, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết, hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên là sân chơi bình đẳng, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ và cải thiện chất lượng sản phẩm hơn. Hiện nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được vào nhiều thị trường mới như bưởi vào New Zealand, chanh dây vào Australia, dưa vào Mỹ…
“Sau khi chúng ta khắc phục được các hạn chế và mở mới thị trường xuất khẩu rau quả sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay. Chúng tôi đang mở rộng thị trường ra Trung Đông và thị trường Halal, đây là thị trường tiềm năng để ngành rau quả thâm nhập sâu” - ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.
Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Bình Tây Food - cho hay, doanh nghiệp phải chấp nhận việc đẩy mạnh đầu tư vào nhà máy, dây chuyền để đóng gói và dùng nguyên liệu xanh, chọn lọc nông sản tốt từ người dân để chế biến. Từ đó, có thể đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Nông sản Việt Nam được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh: Ngọc Lê
Nâng chất lượng để xuất khẩu bền vững
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên các thị trường trên thế giới không thể gây khó dễ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp thách thức, các quốc gia đều tìm kiếm giải pháp, trong đó, thực hiện trách nhiệm xã hội là một hướng đi quan trọng. Kiểm soát dư lượng hóa chất trong thực phẩm là yếu tố then chốt để doanh nghiệp đảm bảo an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và duy trì thị trường xuất khẩu.
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) thông tin, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản, đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng hóa chất. Việc tuân thủ các quy định là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm, nếu doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn, nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, mất thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh là rất cao. Ngược lại, doanh nghiệp nếu đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn" - bà Hồ Thị Quyên cho hay.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ kiểm soát chất lượng nhằm phát hiện và loại bỏ nguy cơ từ sớm. Xây dựng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Hợp tác với các tổ chức kiểm định độc lập để tăng tính minh bạch và đảm bảo tuân thủ quy định.
Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/nong-san-viet-huong-toi-xuat-khau-xanh-sach-ben-vung-1485525.ldo