'Xé rào' xuống giống lúa hè thu trước lịch thời vụ

Tin nhanh nông nghiệp
31-03-2025 08:35:52

Bất chấp khuyến cáo, nhiều nông dân Kiên Giang đã ‘xé rào’ xuống giống sớm lúa hè thu 2025 với hàng chục ngàn ha, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch hại.

Nhiều nơi nông dân xuống giống sớm

Mặc dù lúa đông xuân 2024 - 2025 trên đồng chưa thu hoạch xong nhưng nhiều nơi nông dân đã xuống giống lúa hè thu 2025 lên xanh đồng. Theo khung lịch thời vụ khuyến khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, vụ lúa hè thu 2025 nông dân bắt đầu gieo sạ từ 15/3 (đợt 1). Tuy nhiên, trước đó đã có hàng chục ngàn ha nông dân “xé rào” xuống giống sớm, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch hại.

Hàng chục ngàn ha lúa hè thu 2025 đã được nông dân Kiên Giang xuống giống trước lịch thời vụ. Ảnh: Trung Chánh.

Hàng chục ngàn ha lúa hè thu 2025 đã được nông dân Kiên Giang xuống giống trước lịch thời vụ. Ảnh: Trung Chánh.

Theo thống kê của các địa phương, tính đến ngày 18/3, nông dân trong tỉnh đã xuống giống sớm lúa hè thu 2025 với diện tích trên 54.530ha. Trong đó, giai đoạn mạ 36.780ha, đẻ nhánh hơn 17.520ha, thậm chí tại huyện U Minh Thượng có gần 130ha đến nay lúa đã vào giai đoạn đòng - trổ và trổ - chín. Diện tích xuống giống sớm tập trung chủ yếu ở các huyện Giồng Riềng, Giang Thành, U Minh Thượng, Châu Thành, Gò Quao, Tân Hiệp và thành phố Rạch Giá.

Tại ấp kênh 4B (xã Tân An, huyện Tân Hiệp), cánh đồng rộng hàng trăm ha đã được nông dân gieo sạ lên xanh rì. Nông dân trong ấp cho biết, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, bà con đã tranh thủ đốt rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lại vụ lúa hè thu 2025. Vài hộ làm thì các hộ khác cũng phải làm theo do ruộng chỉ cách nhau bờ ranh nhỏ, không thể giữ nước. Đến nay, hộ gieo sạ sớm nhất lúa đã được hơn 20 ngày tuổi, hộ làm sau cũng đã hơn 10 ngày. Dù thời tiết nắng nóng nhưng nhìn chung lúa đáng phát triển tốt.

Lúa hè thu 2025 nông dân Kiên Giang xuống giống trước lịch thời vụ, bị dịch hại tấn công. Ảnh: Trung Chánh.

Lúa hè thu 2025 nông dân Kiên Giang xuống giống trước lịch thời vụ, bị dịch hại tấn công. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang khuyến cáo: “Một số địa phương sau khi thu hoạch lúa đông xuân đã tiến hành làm đất và gieo sạ lại, không đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ dẫn đến khả năng ngộ độc hữu cơ và lây lan các dịch hại như rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sang vụ hè thu rất cao”.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp với ngành chuyên môn trong chỉ đạo sản xuất, triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu 2025 theo đúng khung lịch thời vụ đã được hướng dẫn. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch gieo sạ phù hợp với từng tiểu vùng, đảm bảo “tập trung, đồng loạt và né rầy”. Những địa phương gieo sạ tự phát ngoài lịch khuyến cáo cần có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Lúa hè thu gieo sạ tập trung 4 đợt

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, vụ lúa hè thu 2025, tỉnh có kế hoạch gieo sạ 276.100ha, đến nay nông dân đã xuống giống được 80.600ha, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Gò Quao, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá.

Khung lịch thời vụ được Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh khuyến cáo gieo sạ tập trung thành 4 đợt. Đợt 1 từ ngày 15 - 31/3, gieo sạ chủ yếu đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, bao gồm một phần diện tích các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Giang Thành và thành phố Rạch Giá.

Đợt 2 từ ngày 5 - 20/4, gồm phần diện tích còn lại của huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp và phần lớn diện tích của huyện Châu Thành, Giang Thành, thành phố Rạch Giá cùng một phần diện tích huyện Gò Quao, phía bắc Quốc lộ 80 của huyện Hòn Đất.

Đợt 3 từ ngày 5 - 20/5, gồm phần lớn diện tích của huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá, một phần diện tích của huyện Châu Thành.

Đợt 4 từ ngày 25/5 - 25/6, gồm phần diện tích còn lại thuộc phía nam Quốc lộ 80 của huyện Hòn Đất, Kiên Lương, vùng U Minh Thượng, một số tiểu vùng ven sông Cái Bé, Cái Lớn thuộc huyện Gò Quao và Châu Thành.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nông dân phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày để tập trung cày ải, phơi đất, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi xuống giống. Ảnh: Trung Chánh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nông dân phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày để tập trung cày ải, phơi đất, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi xuống giống. Ảnh: Trung Chánh.

Cũng theo ông Trần Quang Giàu, tính đến ngày 25/3, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 36.000ha lúa đông xuân chưa thu hoạch. Một số địa phương bà con vừa thu hoạch xong, cần có thời gian vệ sinh đồng ruộng.

Về cơ cấu giống lúa, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8, OM380, GKG1, GKG5, OM34, OM4900, OM7347, ST24, ST25, RVT, nhóm giống lúa Japonica (ĐS1), nếp (IR4625). Áp dụng quy trình sạ thưa với lượng lúa giống từ 80 - 100kg/ha và thực hiện theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao - phát thải thấp vùng đồng ĐBSCL đã được Cục Trồng trọt và BVTV ban hành.

Tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, các mô hình đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, có mã số vùng trồng. Hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tổ chức mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp đồng giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ.

Nguồn:https://nongnghiep.vn/xe-rao-xuong-giong-lua-he-thu-truoc-lich-thoi-vu-d745227.html

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Cùng chuyên mục