Sau Tết Nguyên Đán, thị trường tràn ngập hiện tượng "giải cứu" sầu riêng từ chợ mạng đến các điểm bán lề đường. Giá cả chênh lệch đáng kể khiến người mua băn khoăn.
Đa dạng mức giá "giải cứu" sầu riêng trên chợ mạng
Dạo quanh một vòng các hội nhóm, phóng viên không khỏi hoang mang trước các mức giá "giải cứu". Điểm chung của các bài rao bán sầu riêng trực tuyến là bán số lượng lớn, theo thùng.
Chị Biên, một người bán sầu riêng giải cứu trên mạng xã hội, hiện đang có 2000 thùng cần bán ra ngoài thị trường. Giá sầu riêng hàng xuất loại 1 được chào mời với mức giá 370.000 đồng một thùng 7,5-8 kg, tức chỉ hơn 40.000 đồng/kg.
Hay với anh Duy Khoa, có người thân làm xuất nhập khẩu sầu riêng do không kịp xuất đóng cửa khẩu nên phải quay về. Giá có phần nhỉnh hơn chị Trang, anh Khoa rao bán giá nguyên thùng ở mức 550.000 đồng một thùng 3-5 quả (tương ứng với 8-10 kg), giá đã bao gồm vận chuyển tận nhà.
Đảm bảo sầu riêng về nhà đã có thể thưởng thức, ngọt lịm, hạt lép, chị Ngô Thắm cũng đăng bài "cầu cứu" chỉ với 480.000 đồng một thùng 8-9 kg.
Nhiều bài đăng “giải cứu” sầu riêng với các mức giá khác nhau. Ảnh: Thanh Bình.
"Giải cứu" sầu riêng ngoài đời thực
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường Phạm Hùng sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, nhiều biển rao bán "giải cứu" sầu riêng đã được quảng cáo.
Một tiểu thương bày bán trên đường Phạm Hùng cho biết: "Sát Tết, lô hàng sầu riêng cần được giao sang nước khác nhưng vì tắc biên, chưa thể thông quan kịp".
Nhiều lô hàng xuất khẩu sầu riêng phải “quay xe” tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ảnh: Khánh Linh.
Trên các thùng hàng, nguồn gốc xuất xứ cũng được đính kèm như một minh chứng uy tín cho khách hàng. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, vị tiểu thương khẳng định: "Lô hàng này từ vùng Tiền Giang, Việt Nam, vẫn còn nguyên mã code từ Cục bảo vệ thực vật là VN-TGOR-0315 (Xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Không có nguồn gốc xuất xứ chính xác thì không thể thông quan được".
Minh chứng nguồn gốc xuất xứ lô sầu riêng như một tấm thẻ thông hành trong nước. Ảnh: Thanh Bình.
Giải thích về sự chênh lệch giá, tiểu thương cho biết: 'Hàng bán online thường chín hơn, cần tiêu thụ ngay, còn hàng bày bán trực tiếp vẫn còn xanh, bảo quản được lâu hơn".
Với mức giá "siêu rẻ", người bán cũng phải chịu cảnh lỗ, anh ngậm ngùi chia sẻ: "Giải quyết được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, tiền này không đủ trả tiền xe, phí vận chuyển".
Chị Hà Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đi ngang qua thấy biển "giải cứu" sầu riêng với giá rẻ bất ngờ đã mua cho gia đình 1 thùng. Chị chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng ngập ngừng chưa dám mua vì với giá này thường chỉ mua được 1 quả nặng tay. Nhưng sau khi nhìn tận mắt, sờ tận tay, kiểm tra mã code và chính xác tại vùng đó với mã số này, tôi đã xuống tiền".
Nguồn:https://laodong.vn/thi-truong/sau-rieng-giai-cuu-re-bat-ngo-1458610.ldo