Người dân ĐBSCL chủ động sống chung với xâm nhập mặn

Tin nhanh nông nghiệp
05-02-2025 16:22:59

Đến thời điểm này, cùng với các công trình thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt đã hoàn thành, bà con nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đã chủ động sống chung với xâm nhập mặn.

Cống Nguyễn Tấn Thành ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Công trình ngăn mặn lớn thứ 2 tại miền Tây, nằm cách sông Tiền khoảng 400 m. Nếu mặn xâm nhập, cống sẽ được đóng để bảo vệ sản xuất và cung ứng nước sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

"Sau khi cống này hoàn thành, kết hợp với 6 cống trên đường tỉnh 864 mà tỉnh đã đầu tư, tạo thành vùng dự án khiếp kín, đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt và phục vụ diện tích sản xuất của vùng là trên 130.000 ha của hai tỉnh Tiền Giang và Long An", ông Nguyên Đức Thịnh (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) cho biết.

"Người dân trên địa bàn xã Song Thuận rất phấn khởi, hạn mặn hằng năm sẽ ít bị ảnh hưởng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng được nâng lên", ông Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch UBND xã Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) cho hay.

Người dân ĐBSCL chủ động sống chung với xâm nhập mặn - Ảnh 1.

Những công trình thủy lợi như cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang và Rạch Mọp tại tỉnh Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ giúp cho bà con ở ĐBSCL ứng phó hiệu quả khi nước mặn xâm nhập sâu.

Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu mùa khô này, độ mặn 10 gam/lít đã xuất hiện tại vàm Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cách cửa sông Cửa Đại khoảng 40 km. Mặn cũng tiến sâu vào khu vực nội đồng, độ mặn đo được hơn 2 phần ngàn. Với 5.000 m2 đất sản xuất hoa kiểng, thay vì bị động trong việc ứng phó hạn mặn, những năm gần đây gia đình anh Việt (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã chủ động đào ao tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo sản xuất.

"Mùa khô năm nay, tình hình trữ nước đủ xài, đủ sản xuất, có thể đảm bảo cho sản xuất từ 1 đến 1,5 tháng", anh Nguyễn Tấn Việt chia sẻ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô năm nay, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 2 - 3/2025, các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2025. Tuy nhiên, những công trình thủy lợi như cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang và Rạch Mọp tại tỉnh Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ giúp cho bà con ở ĐBSCL ứng phó hiệu quả khi nước mặn xâm nhập sâu.

Nguồn:https://vtv.vn/xa-hoi/nguoi-dan-dbscl-chu-dong-song-chung-voi-xam-nhap-man-20250204220610921.htm

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Tags

    Cùng chuyên mục