Tôm tăng giá, dân hết tôm, doanh nghiệp kêu khó

Tin nhanh nông nghiệp
04-12-2024 15:54:44

Xuất khẩu tôm tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, dự báo sẽ cán mốc 4 tỉ USD vào cuối năm 2024.

Tôm tăng giá, dân hết tôm, doanh nghiệp kêu khó

Giá tôm nguyên liệu tăng cao nhưng không nhiều ao có tôm. Ảnh: Nhật Hồ

Dự báo đáng mừng

Theo VASEP, với đà tăng trưởng hiện tại, tính đến cuối năm, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỉ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này, với tôm dự báo đạt 4 tỉ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỉ USD.

Thu hoạch tôm tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Thu hoạch tôm tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Giá tôm nguyên liệu tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tôm cỡ 50 con/kg, với mức tăng lên tới 6%, đạt 155.000 đồng/kg vào giữa tháng 11. Đây là mức giá cao nhất của tôm loại này kể từ cuối năm 2021. Các loại tôm cỡ 100 con/kg cũng có mức giá ổn định, dao động từ 85.000 đến 90.000 đồng/kg.

Không chỉ tôm chân trắng, giá tôm sú cũng ghi nhận sự tăng mạnh từ đầu tháng 10, đặc biệt là các cỡ lớn, với mức giá tương đương mức giá của đầu năm 2024. Tuy nhiên, do nguồn cung tôm lớn bị hạn chế, các nhà máy chế biến tôm đã chuyển trọng tâm sang các loại tôm cỡ nhỏ hơn, đẩy giá các loại tôm này lên cao.

Doanh nghiệp, người nuôi đều lo

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng - cho rằng, tôm nguyên liệu tôm tăng mạnh từ giữa tháng 8, nhưng người nuôi tôm không còn nhiều do bị tác động bởi giá thấp từ đầu năm, giá vật tư tăng cao…

Theo ông Lực, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến sụt giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Giá tôm nguyên liệu tăng cao, dân lại không có tôm bán. Ảnh: Nhật Hồ

Giá tôm nguyên liệu tăng cao, dân lại không có tôm bán. Ảnh: Nhật Hồ

Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với hơn 280.000 ha, thời gian qua, cùng với những tác động tiêu cực mang tính chủ quan và khách quan, ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo nhận định từ ngành chức năng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra. Môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Giá vật tư đầu vào luôn có xu hướng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển chưa đáp ứng hết nhu cầu tôm nuôi cũng như tiềm năng phát triển ngành hàng này.

Tại Bạc Liêu, năng suất, giá trị xuất khẩu tôm đều vượt chỉ tiêu so với năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại, không nhiều người dân còn tôm để bán.

Ông Long Quang Nghĩa - người nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, cần có sự thay đổi về quản lý toàn ngành tôm để tránh tình trạng vào mùa thu hoạch rộ, tôm rớt giá, khi người dân hết tôm giá lại tăng vù vù.

Nguồn:https://laodong.vn/thi-truong/tom-tang-gia-dan-het-tom-doanh-nghiep-keu-kho-1430363.ldo

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Tags

Cùng chuyên mục