Giá ca cao thế giới năm nay tăng rất mạnh do thiếu hụt nguồn cung. Giá ca cao ở Việt Nam cũng tăng kỷ lục, nhưng sản lượng đã giảm nhiều.
Ca cao là một trong những mặt hàng nông sản có sự tăng giá mạnh nhất trên toàn cầu trong năm nay. Vào tháng 2/2024, giá ca cao trên thị trường tương lai đã lần đầu tiên vượt qua mốc 10.000 USD/tấn. Sau đó, giá ca cao giảm xuống nhưng vẫn ở mức rất cao. Cuối tháng 10/2024, giá ca cao trên thị trường thế giới đang ở mức hơn 7.300 USD/tấn.
Giá ca cao tăng cao có nguyên nhân chính là sản lượng ca cao giảm mạnh ở Bờ Biển Ngà và Ghana trong niên vụ 2023/2024, chiếm tới 54% sản lượng ca cao toàn cầu. Trong niên vụ vừa qua, sản xuất ca cao ở 2 nước này gặp khó khăn lớn bởi dịch bệnh, qua đó ảnh hưởng đến sản lượng ca cao thế giới.
Theo đà tăng giá chung trên thị trường thế giới, giá ca cao ở Việt Nam cũng tăng rất mạnh. Bà Lê Thị Thu Hà, nông dân ở xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong tháng 10/2024, giá ca cao tươi khoảng 12.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng thấy với người trồng ca cao Việt Nam.
Giá ca cao tươi đã lên mức kỷ lục 12.000 đồng/kg. Ảnh: Sơn Trang.
Cây ca cao trồng ở xã Phú Hòa, nếu được chăm sóc tốt có thể đạt năng suất tương đương từ 25 - 30 tấn/ha. Với giá bán hiện tại, mỗi ha ca cao, nông dân trồng tại xã Phú Hòa đang có doanh thu từ 300 - 360 triệu đồng/ha.
Điều đáng tiếc với ngành ca cao Việt Nam là trong bối cảnh giá thế giới tăng rất cao, thì diện tích và sản lượng lại đã xuống ở mức rất thấp. Theo Cục Trồng trọt, diện tích ca cao Việt Nam liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Năm 2012, diện tích ca cao Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử với 25,7 nghìn ha. Đến năm 2023, diện tích ca cao Việt Nam chỉ còn 3.471ha, trong đó, diện tích thu hoạch là 2.836ha, sản lượng đạt 4.786 tấn hạt khô.
Diện tích ca cao ở Việt Nam giảm liên tục trong hơn 10 năm qua là do hiệu quả sản xuất ca cao thấp, khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Do đó, nông dân ở các vùng trồng ca cao đã chuyển đổi nhiều diện tích ca cao sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày khác...
Hạt ca cao đang phơi. Ảnh: Trần Trung.
Tuy diện tích và sản lượng ca cao giảm mạnh, nhưng ở nhiều tỉnh đã có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng ca cao để hình thành những vùng sản xuất ca cao tập trung mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho nông dân và nâng cao chất lượng ca cao.
Còn theo Cục Trồng trọt, hiện nay, phần lớn nông dân sản xuất ca cao đã được tập huấn về lên men ca cao theo quy trình kỹ thuật được Bộ NN-PTNT ban hành. Nhờ vậy, 100% hạt ca cao Việt Nam được lên men, đạt chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu của các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu trong và ngoài nước. Hạt ca cao Việt Nam cũng đã được ICCO chứng nhận là ca cao hương vị.
Nguồn:https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/ca-cao-viet-nam-gia-cao-ky-luc-nhung-san-luong-thap-d407052.html