Ngô, rau màu thế chân vùng dong riềng chết khô

Tin nhanh nông nghiệp
11-10-2024 10:37:26

Cả cánh đồng bát ngát ven sông Hồng ở Quy Mông phủ một màu u ám, nước lũ rút, đất bùn nứt nẻ, những ruộng dong riềng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch chết khô.

Cánh đồng dong riềng ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông thật thê thảm sau trận lũ lịch sử vừa qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Cánh đồng dong riềng ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông thật thê thảm sau trận lũ lịch sử vừa qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Cả cánh đồng đao riềng chết khô

Gần một tháng trước, cả cánh đồng dong riềng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang xanh mướt một màu, những bông hoa đỏ rực, báo hiệu vụ thu hoạch sắp tới. Ấy vậy mà sau ngày 25/9, khi nước rút, nhìn cánh đồng thật thảm thương, tất cả các ruộng dong riềng chết khô, gẫy đổ, bùn đất vùi lấp. Sau khi nước lũ rút, bùn bồi lấp đến 50cm, có chỗ trũng sâu cả mét, nắng lên đất nẻ tuếch toác, cây héo úa chết dần.

Ngoài dong riềng, hàng chục ha lúa, ngô, rau màu của bà con cũng mất trắng. Công sức chăm bón cả năm trời của người dân đã đổ sông đổ biển.

Một mình lọ mọ trên khu ruộng bị bùn đất phù sa phủ kín, ông Bùi Văn Minh ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông đang dùng chiếc dao nhỏ đào đất để gieo những hạt ngô giống.

Ông Minh gieo hạt ngô trên ruộng dong riềng bị vùi lấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Minh gieo hạt ngô trên ruộng dong riềng bị vùi lấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Minh chia sẻ, 8 sào dong riềng của gia đình đã bị ngập úng trong nước lũ sông Hồng, bùn phù sa vùi sâu 60cm, sau khi nước rút đất phẳng lì. Nếu không có trận lụt lớn vừa qua, diện tích này sẽ cho gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, nhưng nay thì mất trắng.

Tranh thủ thời tiết chưa lạnh, ông Minh gieo vài cân ngô giống, nếu thời tiết thuận lợi sẽ được thu hoạch để lấy lương thực chăn nuôi gia cầm, ngoài ra còn có cây xanh để làm thức ăn cho trâu, bò. Sau Tết ông sẽ cải tạo đất để trồng vụ dong riềng mới.

Gia đình ông Lương Quý Đức ở cùng thôn với ông Minh có 6 sào dong riềng ven sông bị ngập úng mất trắng và gần 2 sào trồng trên bãi đất sau nhà, cũng bị ngập gần đến ngọn, ngước rút cả bãi đang ngấp ngoải, nhiều bụi cây vàng úa.

Bà con nông dân ngao ngán nhìn cánh đồng bị bão lũ tàn phá. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà con nông dân ngao ngán nhìn cánh đồng bị bão lũ tàn phá. Ảnh: Thanh Tiến.

Thiếu nguyên liệu sản xuất, HTX lo mất khách hàng quen

Các trận mưa lớn, ngập lụt do hoàn lưu bão số 3 đã làm phần lớn diện tích cây dong giềng ở xã Quy Mông bị thiệt hại. Đây là địa phương có diện tích dong giềng lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Không riêng thu nhập năm nay, người làm miến ở Quy Mông còn lo mất khách hàng và thiếu củ giống để trồng vào năm sau.

Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Quy Mông được thành lập năm 2021, hiện có 7 thành viên. Ngoài 2ha trồng dong giềng của các hộ thành viên, hợp tác xã còn liên kết với 4 tổ hợp tác khác trong lĩnh vực chế biến miến.

Ông Đỗ Danh Toàn, Giám đốc hợp tác xã này cho biết, với công suất 40 tấn dong riềng củ sơ chế/ngày, tương đương với 200 tấn bột/năm, sản phẩm miến của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bước vào vụ sản xuất năm nay, hợp tác xã có thêm nhiều khách liên hệ đặt hàng, nhưng mưa lũ gần như xóa sổ toàn bộ vùng nguyên liệu, gây nhiều khó khăn cho hợp tác xã.

Hơn 80% diện tích dong riềng ở xã Quy Mông bị chết trắng, thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ gây khó khăn cho các hợp tác xã sản xuất miến. Ảnh: Thanh Tiến.

Hơn 80% diện tích dong riềng ở xã Quy Mông bị chết trắng, thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ gây khó khăn cho các hợp tác xã sản xuất miến. Ảnh: Thanh Tiến.

“Nước ngập hết rồi, năm nay muốn làm miến phải đi mua bột ở nơi khác. Số lượng bột tích trữ còn rất ít, chục ngày nữa là hết. Việc khan hiếm nguyên liệu sẽ làm giá tinh bột tăng cao, chi phí sản xuất sẽ lớn hơn, vì vậy giá bán miến sẽ tăng cao. Việc này sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng với khách hàng quen”, ông Toàn giãi bày.

Ở xã Quy Mông hiện có trên 400 hộ dân trồng dong riềng, với hơn 70ha tập trung chủ yếu ở 4 thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch khoảng 5.000 tấn củ, giá trị thu nhập đạt hơn 11 tỷ đồng.

Mưa lũ những ngày qua đã làm mất trắng 57ha dong riềng (chiếm hơn 80% diện tích), ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hàng trăm hộ dân, nhiều xưởng chế biến tinh bột và 2 hợp tác xã sản xuất miến.

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết, làng nghề sản xuất miến thường rất nhộn nhịp vào mỗi dịp cuối năm, khi đó người dân tấp nập thu hoạch củ dong riềng trên cánh đồng, công nông, ô tô chở những củ dong riềng về các xưởng chế biến tinh bột hoạt động hết công suất. Các hợp tác xã cũng tập trung nhân lực sản xuất miến để cung ứng sản phẩm ra thị trường trong dịp Tết. Tuy nhiên vụ này chắc chắn sẽ ảm đạm bởi gần như cả cánh đồng đã bị nước lũ xóa sổ. Không có nguyên liệu sản xuất sẽ ảnh hưởng tới các hợp đồng với khách hàng, việc trồng mới ở vụ xuân cũng khó khăn vì thiếu củ giống.

Nguồn củ giống để trồng trong vụ xuân cũng là vấn đề nhiều người dân lo lắng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn củ giống để trồng trong vụ xuân cũng là vấn đề nhiều người dân lo lắng. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng ngô, rau màu trên diện tích chết trắng

Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đang phối hợp với chính quyền xã vận động bà con cải tạo đất sau khi nước rút để trồng ngô gối vụ đối với diện tích dong riềng bị chết không thể phục hồi. Việc này vừa giải quyết vấn đề lương thực, phục vụ chăn nuôi, vừa khôi phục sản xuất.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết, do trận lụt lịch sử vừa qua, toàn huyện có 76ha cây dong riềng ở các xã Quy Mông, Y Can, Minh Quân… bị chết trắng, thiệt hại không thể khắc phục.

Với nguồn giống ngô và rau màu được hỗ trợ, huyện Trấn Yên sẽ vận động người dân tập trung sản xuất vụ đông để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Thanh Tiến.

Với nguồn giống ngô và rau màu được hỗ trợ, huyện Trấn Yên sẽ vận động người dân tập trung sản xuất vụ đông để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đối với từng diện tích cụ thể để có phương án khắc phục hiệu quả nhất. Với diện tích dong riềng còn lại ở ruộng cao, các cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn và khuyến cáo người dân đào rãnh thoát nước, xới lớp đất trên bề mặt để cây không bị chết.

Sau khi thu hoạch sẽ tích trữ để làm giống cho vụ sau. Nếu số lượng không đủ, huyện sẽ liên hệ với các địa phương khác, có nguồn giống để cung cấp cho người dân khôi phục sản xuất. Những diện tích dong riềng và cây màu khác bị chết trắng, sẽ vận động bà con cải tạo đất chuyển sang trồng ngô đông và các loại rau màu ngắn ngày.

Nguồn:https://nongnghiep.vn/ngo-rau-mau-the-chan-vung-dong-rieng-chet-kho-d401301.html

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Cùng chuyên mục