Thời điểm này, cau đang vào vụ thu hoạch chính nên hoạt động thu mua, buôn bán tại các nhà vườn, lò sấy trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức nhộn nhịp.
Những ngày này, thương lái tấp nập thu mua cau tươi (loại cả cuống và quả), giá thu mua tại vườn mỗi kg cau tươi giao động khá cao từ 50.000 đến 75.000 đồng với quả đẹp, chất lượng tốt.
Thông thường, cau được giá cao nhất vào dịp Tết Nguyên Đán do nhu cầu lớn, trên 100.000 đồng/kg và sau đó giảm dần vào mùa hè, giá cau khoảng hơn 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá cau liên tục tăng, thời điểm cuối tháng 4, loại trái này khoảng 25.000 đồng/kg và tăng lên gấp đôi vào vụ thu hoạch, có thời điểm giá cau đạt mức cao 80.000đ/kg quả tươi. Mức này gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Mỗi buồng cau nặng khoảng 3-5 kg, nhà vườn bán được trên dưới 200.000 đồng.
Nông dân bán cau tại vựa thu mua.
Vừa bán xong đợt cau được giá cao, chị Nguyễn Thị Thơm ở buôn Ea M’Tá A, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin đang tích cực chăm sóc phục hồi cho cây. Gia đình chị có hơn 400 cây cau giống liên phòng cho trái, trồng từ năm 1995. Đây là giống cau có khả năng chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh và buồng sai quả.
“Vụ mùa cau đến cũng là lúc gia đình tôi mỗi ngày đón hàng chục lượt thương lái hỏi mua. Khắp làng xóm không khí thu hoạch và mua bán tại các nhà vườn diễn ra khá sôi nổi, số lượng thương lái, xe chở hàng ra vào rất nhiều", chị Thơm chia sẻ.
Thương lái leo cây cắt cau tại vườn.
Vào thời điểm này, trên các tuyến đường của tỉnh Đắk Lắk, đi đâu cũng thấy những chiếc xe máy với sọt to sọt nhỏ đầy ắp cau nối đuôi nhau. Anh Hà Quang Phóng (Tổ Dân phố 2, Phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột) lại lên đường đi thu mua cau vườn. Biết đến nghề này từ hơn 3 năm trước, trước đây là nhân viên bán xăng của một cây xăng tư nhân, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, khi thấy nghề “leo cây hái ra tiền” có thể cho thu nhập cao hơn giúp gia đình phát triển kinh tế, anh bắt đầu rong ruổi trên các nẻo đường để thu mua loại quả này.
Giá cau tăng giúp những người làm nghề như anh Phóng có được thu nhập đáng kể. “Các vựa thu mua bao nhiêu thì tôi lại đi cắt của người dân bấy nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi. Hằng ngày chịu khó đi tìm, tôi cũng lãi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng từ công việc hái cau rồi đem về bán lại cho các vựa, cơ sở chế biến”, anh Phóng bộc bạch.
Điểm thu mua cau tại xã Hoà Thắng, thành phố buôn Ma Thuột.
Đến hẹn lại lên, thời điểm cau vào vụ thu hoạch chính cũng là lúc các điểm thu mua và sơ chế cau tươi hoạt động hết công suất. Cau khi thu mua về sẽ được tách ra khỏi cuống, cau được phân loại thành những loại to nhỏ khác nhau sau đó đưa vào lò hấp. Cau sau khi hấp từ màu xanh chuyển sang màu vàng nâu đặc trưng, được vớt ra để ráo nước và sấy trong 4 - 5 ngày, đến khi cau có độ săn chắc nhất định sẽ tiến hành đóng gói. Tuy nhiên, mỗi lò sấy đều có những công thức chế biến và sấy khô khác nhau nên quy trình sản xuất cũng được thay đổi.
Nhiều người có công việc thu nhập tốt với nghề phân loại cau.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua và sấy cau khô bán cho thương lái, bà Hoàng Thị Sao (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, mỗi ngày cơ sở của bà thu gom khoảng 10 tấn cau tươi từ các lái buôn. Lò sấy của bà chỉ thu mua những loại cau non, quả thon dài, cắn ra còn nước. Đây là những tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm quả cau sấy khô đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thương lái.
Kiểm tra chất lượng cau sấy.
Theo các thương lái, giá cau phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chính mặt hàng này. Sau khi thu mua tại vườn, thương lái sẽ chở đến điểm tập kết, tách quả khỏi cuống và sấy khô, họ xuất sang Trung Quốc để làm kẹo. Ngoài làm kẹo, quả cau và vỏ quả cau cũng đã được ứng dụng làm thuốc điều trị. Vỏ cau có thể dùng để trị các bệnh phù thũng, bí tiểu, khó tiêu…/.
Nguồn:https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/nhon-nhip-mua-thu-hoach-cau-dak-lak-a26770.html