Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đồng thời xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất và phát huy trí tuệ địa phương để tạo ra sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng và tạo việc làm ổn định.
Tính đến tháng 4, đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.
Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác.
Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương
Để quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Mỗi cửa hàng được hỗ trợ xây dựng và đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, bảng hiệu, kệ hàng, góp phần tăng độ nhận diện và tính thẩm mỹ đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chủ động đầu tư, mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cả nước có hơn 13.000 sản phẩm OCOP.
Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn, Công ty Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh, Lý Sơn, Quảng Ngãi đã đi đầu trong việc trồng tỏi ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch không hóa chất ở đảo Lý Sơn và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn vươn xa. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm tỏi Lý Sơn đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đang hướng đến xuất khẩu.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, các địa phương phương đã yêu cầu các sở, ngành rà soát và đánh giá tiềm năng, giá trị, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP hiện có. Qua đó, tập trung hỗ trợ những chủ thể đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp Trung ương, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh.
Phát triển sản phẩm OCOP từ ý tưởng khởi nghiệp
Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP không chỉ nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.
Hiện ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp của những người trẻ cùng tham gia. Điều này cho thấy, OCOP đã thật sự lan tỏa ở các địa phương đặc biệt là các khu vực miền núi.
Hiện có nhiều người trẻ khởi nghiệp thành công với sản phẩm OCOP.
Hiện có nhiều người trẻ khởi nghiệp thành công với sản phẩm OCOP. Lợi thế của người trẻ là có nhiều ý tưởng sáng tạo; đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất; thích ứng nhanh thương mại điện tử; sản phẩm đưa ra thị trường có tính cạnh tranh cao giúp tăng thu nhập cho chủ thể, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết: "Phát triển sản phẩm OCOP giúp cho các bạn trẻ bước đầu đã khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của huyện nhà".
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là một "sân chơi" để những người trẻ phát huy năng lực của mình. Tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển sản phẩm địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Mỗi sản phẩm OCOP khởi nghiệp thành công thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương trong mỗi ý tưởng.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/ca-nuoc-co-hon-13000-san-pham-ocop-20240706105907629.htm