Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng vọt, Việt Nam đã vượt Chile thành nước xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 sang Trung Quốc.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang đây đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%.
Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt hẳn Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.
Vườn sầu riêng tại xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An). Ảnh: Hoàng Nam
Chia sẻ với VnExpress, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Ngoài ra, năm qua Trung Quốc cũng tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt.
Hiện, Việt Nam là đối thủ "nặng ký" mà Chile và Thái Lan dè chừng. Năm nay khi sầu riêng đông lạnh, bơ, dừa của Việt Nam được xuất chính ngạch sang thị trường này, kim ngạch sẽ bùng nổ và thị phần giữa các nước xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục được chia lại. Ngoài có nguồn cung dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế hơn hai quốc gia trên về chi phí, thời gian vận chuyển. Khí hậu Việt Nam cũng thuận lợi hơn so với các quốc gia trên.
Để xuất khẩu ngày càng thuận lợi, ông Nguyên cho rằng người sản xuất và doanh nghiệp thu mua cần liên kết chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với hàng chế biến nâng cao mẫu mã và đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Trong chuyến thăm mới đây của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Cũng trong chuyến thăm này, 2 bên đã ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.
Trong tuyên bố chung của hai nước nhất trí áp dụng các biện pháp để mở rộng quy mô thương mại song phương cân bằng, bền vững. Các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị để tăng hiệu suất thông quan cũng được hai nước đồng thuận thúc đẩy.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo 60% tổng kim ngạch ngành.
Nguồn:Việt Nam vượt Chile đứng thứ 2 về xuất rau quả sang Trung Quốc - VnExpress Kinh doanh