Xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc bất ngờ tăng vọt

Tin nhanh nông nghiệp
01-03-2024 12:38:18

Xuất khẩu rau quả từ Việt Nam đến các thị trường nổi tiếng về khắt khe, khó tính như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng đầu tiên năm nay.

Khẳng định vị thế, chất lượng rau quả Việt Nam

Theo Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính, có yêu cầu chất lượng rất cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng 1.

Xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc bất ngờ tăng vọt- Ảnh 1.

Sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản .K.O

Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhất với giá trị đạt 22 triệu USD, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng này xuất sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng 83% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 22 triệu USD. Đối với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu rau quả đạt 16 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại thị trường Úc, xuất khẩu rau quả cũng thu về 9 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Công thương cho rằng, việc xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đã khẳng định vị thế, chất lượng hàng rau quả Việt Nam và sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành hàng này trong năm nay.

Riêng đối với thị trường Úc, Bộ Công thương đánh giá, đây là thị trường đang có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. Trong đó, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ, châu Âu. Để khai thác hiệu quả thị trường Úc, ngành rau quả cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.

Phải giữ được chất lượng để cạnh tranh, tăng thị phần

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết trong tháng đầu tiên năm 2024, xoài, dừa và sầu riêng là những loại trái cây Việt Nam được các doanh nghiệp nhập khẩu vào Nhật Bản nhiều nhất. Trong đó, riêng sầu riêng xuất khẩu vào Nhật Bản đang ở mức giá rất cao nên số lượng hàng nhập khẩu không nhiều.

Cũng theo bà Lê Thị Kiều Oanh, thị trường Nhật Bản có nhu cầu rất lớn tiêu thụ trái cây nhiệt đới của Việt Nam nhưng điểm hạn chế hiện nay là giá cả không ổn định, chất lượng không đồng đều khi vẫn để xảy ra tình trạng lô hàng có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu khắc phục được những yếu tố này, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Nhật Bản sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, không chỉ trong tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả vào các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu rất cao đã ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2023. Cụ thể, đối với thị trường châu Âu, nếu năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt trên 200 triệu USD thì năm 2023 đã tăng lên gần 300 triệu USD, dự báo năm nay tăng trưởng hơn 20%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sau nhiều năm tiếp cận, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã làm quen và thích nghi với các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng cao từ các thị trường này để quay lại đầu tư tổ chức vùng nguyên liệu, thay đổi quy trình sản xuất, vượt qua được những hàng rào kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý, để giữ được sự ổn định, từng bước nâng cao thị phần, sức cạnh tranh ở các thị trường này thì vấn đề của các doanh nghiệp, địa phương là làm sao kiểm soát được chất lượng, tiêu chuẩn và khó nhất vẫn là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên các mặt hàng rau quả xuất khẩu.

Nguồn:https://thanhnien.vn/xuat-khau-rau-qua-sang-my-nhat-uc-han-quoc-bat-ngo-tang-vot-185240229144623659.htm

Tải ứng dụng 2Nông trên

Chia sẻ

Cùng chuyên mục