Những ngày đầu tháng 6 âm lịch năm 2022 vừa qua, khi mà các huyện ngoại thành Hà Nội bước vào thời điểm gieo cấy vụ lúa mùa thì cũng là lúc những người cấy thuê “hái ra tiền”.
Những năm gần đây, khi bước vào mùa vụ, nhân công cấy thuê thường rất khan hiếm, vì vậy mà người làm công việc này luôn được săn đón với mức thù lao khá cao, bởi gia đình nào còn làm nông nghiệp đều muốn cấy lúa nhanh cho kịp thời vụ khi mạ gieo đã đủ ngày.
Cấy thuê là công việc không hề nhàn hạ khi người cấy phải lội bùn, khom lưng và cắm mặt xuống ruộng suốt cả ngày bất kể trời nắng hay mưa; ăn cơm và ngả lưng qua loa ngay ngoài bờ ruộng. Đổi lại, họ có thể kiếm được thu nhập, được nuôi cơm và cứ hết ngày là được lĩnh tiền, ít phải lo nghĩ.
Công việc cấy thuê tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá
Bà Lê Thị Tâm ở thôn Bầu xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết gia đình bà vừa mới đón 4 nhân công để cấy thuê cho đám ruộng 5 sào. Với 4 nhân công cấy trong 2 ngày, công cho mỗi thợ cấy một ngày là 350.000 đồng. Bà Tâm cho biết thêm, gia chủ còn phải lo cơm trưa, nước uống hàng ngày cho thợ.
Tại một số quận mới vừa lên đô thị chưa lâu như Nam - Bắc Từ Liêm, Long Biên, tình trạng khan hiếm thợ cấy thuê khi mùa tới cũng khá phổ biến.
Ông Trần Tuấn Thái, năm nay 57 tuổi, nhà ở phường Thuỵ Phương quận Bắc Từ Liêm hiện còn 8 sào đất lúa. Mùa cấy năm nay, nhà ông Thái cũng phải dặn trước cả hai ba tuần mới thuê được 6 người thợ cấy.
Lực lượng cấy thuê tại các huyện ngoại thành Hà Nội hiện nay phần lớn là phụ nữ từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… đổ về. Hết mùa cấy họ lại trở về quê, mang theo số tiền kha khá vừa kiếm được.
Chị Lưu Thị Dần, 39 tuổi, quê ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), người đã làm công việc cấy thuê tại khu vực huyện Đông Anh từ mấy năm nay, kể rằng một mùa cấy trung bình chị làm được khoảng 15 buổi, mỗi buổi chừng 350.000 đồng tiền công. Hết vụ cấy, chị kiếm hơn 5 triệu đồng. Còn nếu nhận cấy khoán, chị có thể kiếm được nhiều tiền hơn chút xíu.
Theo báo Nông thôn Việt