Hiện nay lúa Đông xuân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở giai đoạn từ trổ đến thu hoạch, đây là giai đoạn rất quan trọng trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân để đạt năng suất cao. 2 Nông khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:
Tình hình dịch bệnh trên lúa có nhiễm các đối tượng rầy nâu, sâu cuốn lá, rầy phấn trắng…, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt ... với mức nhiễm nhẹ đến trung bình.
Tình hình thời tiết từ tháng 3 trở đi thường có đêm lạnh, trưa nắng nóng, sáng sớm và chiều tối có sương mù tạo ẩm độ cao, cục bộ nhiều địa phương có mưa giông trái mùa, mưa phùn… và các giống lúa đang canh tác tại ĐBSCL đều có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn, và rầy nâu, với diễn biến thời tiết trên, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Thạc Sĩ Nguyễn Minh Bữu khuyến cáo bà con nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên phát hiện sâu bệnh hại lúa đông xuân sớm và phòng trị theo hướng dẫn như sau:
-
Sâu bệnh hại lúa đông xuân: bệnh đạo ôn
Bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng (quan sát chỗ lúa lá xanh tốt, thừa phân đạm), nếu phát hiện trên ruộng có một vài vết bệnh đạo ôn điển hình là vết bệnh hình thoi có viền xanh đậm bên trong có màu xám trắng thì nên tiến hành xử lý thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.
Khuyến cáo bà con nên phun ngừa loại sâu bệnh hại lúa đông xuân này bằng các loại thuốc đặc trị (hiệu quả nhất là thuốc có hoạt chất tricyclazole) vào giai đoạn trước trổ và sau trổ 1 tuần để phòng bệnh đạo ôn gây hại trên hạt và bông lúa.

Bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa
2. Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Bệnh vàng lá chín sớm
Bệnh thường gây hại giai đoạn sau trổ, lúa đang ngậm sữa. Khi thăm đồng, bà con nông dân nên xem những chỗ lúa dầy quan sát những lá gần gốc lúa, thấy có chấm tròn màu vàng cam có vệt vàng kéo dài từ gốc lá đến chóp lá. Khi phát hiện loại sâu bệnh hại lúa đông xuân này nên dùng thuốc đặc trị hiệu quả nhất là các thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Cymoxanil, Metalaxyl, Mancozeb …

Bà con nông dân lo ngại bệnh vàng lá chín sớm
3. Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Bệnh vàng lá do thời tiết
Nếu lá lúa bị vàng không có các triệu chứng trên, chóp lá hơi bị cháy khô đó là hiện tượng vàng sinh lý do thời tiết lạnh. Xử lý bằng cách giữ nước trên ruộng cho ngập gốc lúa, bón thêm phân kali khi nghe dự báo có nhiệt độ lạnh, phun phân bón lá có chất kali, Humate…
4.Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Bệnh lem lép hạt
Do nhiều nguyên nhân: Dinh dưỡng, nhện gié, nấm – vi khuẩn …Nên chăm sóc cây lúa khỏe, bón phân cân đối, áp dụng tiết kiệm nước, phun ngừa thuốc trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân phổ rộng trước và sau trổ (có thể cộng chung với thuốc đặc trị đạo ôn để giảm công phun xịt)

Cây lúa bị lem lép hạt, cho năng suất thấp
5. Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Rầy nâu
Đối với sâu bệnh hại lúa đông xuân rầy nâu, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, quan sát ở gốc lúa, khi thấy rầy cám nở mật độ trên 3 con/tép và rầy non chuyển sang màu vàng (tuổi 2 – tuổi 3) thì mới xử lý thuốc hóa học. Nên dùng các loại thuốc chống rầy nâu như lột xác, hoặc các thuốc đặc trị rầy thế hệ mới, nên phun vào phần gốc lúa, không nên pha thêm thuốc trừ sâu gốc cúc để diệt rầy, không dùng các thuốc trừ rầy có hoạt chất acetamiprid vào giai đoạn lúa trổ và sau trổ.

Lưu ý khi diệt trừ rầy nâu trên thân cây lúa
6.Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Sâu cuốn lá
Không nên phun ngừa sâu cuốn lá khi lúa trước 40 ngày tuổi. Chỉ phun thuốc khi mật số sâu cuốn lá trên 20 con/m2, lúc lá lúa dính chùm lại. nếu có thể chỉ phun theo chòm sâu ăn nặng trên ruộng để tiết kiệm chi phí và bảo vệ thiên địch.

Sâu cuốn lá là nỗi “ám ảnh” của nhà nông
7. Sâu bệnh hại lúa đông xuân: Rầy phấn trắng
Sâu bệnh hại lúa đông xuân rầy phấn trắng thường có các dấu hiệu như sau: quan sát kỹ trên ruộng lúa, thấy thành trùng màu trắng nhỏ như hạt phấn lúa, ấu trùng bám ở mặt dưới lá như hạt mè, cả ấu trùng và thành trùng thường sống và gây hại ở mặt dưới lá, thành trùng bay di chuyển chậm từ lá này qua lá kia (ít bay xa), thích chỗ rậm - khuất gió, ấu trùng bám cố định ở mặt dưới lá, do thành trùng có lớp phấn, ấu trùng có lớp sáp bao phủ toàn thân, nên việc dùng thuốc phòng trừ rầy để phun xịt phải cộng thêm chất phụ gia hoặc bám dính cùng với các loại thuốc trừ rầy lưu dẫn để trị, chỉ phun thuốc khi thấy rầy phấn trắng (thành trùng và ấu trùng) trên 30 con/1 tép lúa (5 lá).

Sử dụng thuốc tiêu diệt rầy phấn trắng đúng cách
Để hạn chế và phòng trừ hiệu quả các các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa đông xuân gây hại trên, chuyên gia khuyên bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật 1 phải – 5 giảm trong canh tác lúa, bón phân cân đối tránh bón thừa phân đạm. Khi phun thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).
Trên đây là những chia sẻ của chuyên gia / thạc sĩ Nguyễn Minh Bữu về những cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân. Bà con có bất kỳ thắc mắc gì về vụ lúa hoặc các loại cây trồng khác liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua hotline:1900 9099 để được chuyên gia giải đáp trực tiếp. Cảm ơn quý bà con đã quan tâm theo dõi bài viết!