Bằng chứng là trong chín tháng qua, Mỹ đã thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc lên cao nhất mọi thời đại.
Dự báo nguồn cung ngũ cốc thế giới trong năm tới vẫn sẽ khan hiếm. Ảnh: Farm Futures
Gregg Doud, chuyên gia kỳ cựu về đàm phán thương mại nông nghiệp Mỹ cho biết, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có nhập khẩu đúng theo cam kết giai đoạn một của thỏa thuận thương chiến Mỹ- Trung, ở mức 40 tỷ USD trong năm nay hay không. Tuy nhiên vị này cho rằng, đây là cơ hội chính đáng có thể đạt được và điều này cũng có thể tiếp tục mang lại sức mạnh cho hàng hóa Mỹ, nhất là khi Trung Quốc vẫn đang trong cơn khát hàng nông sản.
Phát biểu tại hội nghị Các nhà cung cấp và thu mua nguyên liệu của Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ ở thành phố Orlando, bang Florida mới đây, ông Doud chia sẻ: Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc vẫn rất lớn, khoảng 150 tỷ USD mỗi năm từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ông Gregg Doud, người hiện là nhà kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu thị trường Aimpoint Research cho biết: “Trên thực tế là chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số 40 tỷ đô la và nó không phải là một giấc mơ viển vông”.
Thỏa thuận hai năm được đàm phán dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Nhưng theo ông Doud: “Chúng ta phải lưu ý rằng vào ngày 1 tháng 1 năm sau, Mỹ vẫn sẽ áp dụng mức thuế quan trị giá 360 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”. Đồng thời lưu ý rằng, tất cả các thay đổi về cấu trúc đàm phán trong thỏa thuận giai đoạn một vẫn còn hiệu lực, tuy nhiên một cuộc đối thoại khác có thể sẽ diễn ra.
Một khi thỏa thuận này được thực hiện, Trung Quốc có thể sẽ khuấy động các tình huống tạo đòn bẩy nhằm loại bỏ điều khoản trị giá 360 tỷ USD thuế quan. “Mọi thứ hiện vẫn đang tốt và có thể vẫn tiếp tục tiến triển, nhưng tôi không dám chắc là sẽ không gặp khó khăn”, ông Doud dự đoán.
Trung Quốc nhập khẩu đậu nành Brazil về cảng Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ảnh: VCG
Hiện Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018, kể từ đó đến nay ngành chăn nuôi ở quốc gia có đàn lợn lớn nhất thế giới đã cấm tiệt người dân cho lợn ăn những thức ăn thừa mứa.
Ông Doud cho rằng, sự mập mờ về số liệu tổng đàn lợn hiện nay của Trung Quốc là bởi vì “Bắc Kinh không muốn bị rơi vào tình huống mà họ cảm thấy bị mắc kẹt trên thương trường”.
Nhu cầu đậu tương tại Trung Quốc dự báo cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng bởi giá lợn hơi. Cụ thể khi giá lợn hơi xuống thấp thì người chăn nuôi sẽ bán tống bán tháo hàng loạt đàn lợn và sản phẩm thịt sẽ dư cung trên thị trường, khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm và kéo theo nhu cầu khô dầu đậu tương thấp hơn.
Điều này đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả đậu nành và ngô. Ông Doud nói rằng, Trung Quốc không bao giờ muốn nhập khẩu thịt, mà họ chỉ muốn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trừ phi việc tái đàn không đạt mục tiêu.
Theo các chuyên gia, nhu cầu ngô của Trung Quốc có thể dao động từ 5 cho đến 40 triệu tấn hàng năm bởi đàn lợn của nước này vẫn tiếp tục biến động và tính minh bạch đã sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây, thông qua các báo cáo về dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn hoành hành trên đàn lợn trong nước.
Theo ông Doud, Trung Quốc thừa biết rằng với mặt hàng ngô từ nay cho đến tháng 3 năm sau, Mỹ vẫn là nhà cung cấp có tiềm năng duy nhất của họ và tương tự theo mùa vụ, từ tháng 9 đến tháng 2 lượng nhập khẩu đậu tương cũng vẫn thiên về nước này. “Vào năm ngoái cũng trong khung thời gian đó, các lô hàng ngô và đậu tương của Mỹ đã được bán hết veo nhưng đó là khi niên vụ đậu tương đạt sản lượng 500 triệu giạ, điều không thể có trong năm nay”, theo ông Doud.
Ngoài ra còn vô số khó khăn khác như cước vận chuyển đường biển hiện đã cao gấp đôi so với cách nay một năm, hay biên lợi nhuận của hoạt động chế biến đậu tương tại Trung Quốc đang ở mức âm. Ông Doud cho rằng, việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu viễn dương có thể sẽ chưa ổn định trong vòng hai đến ba năm tới, và tất cả đang đặt ra những vấn đề thực sự đối với chuỗi cung ứng trong tương lai. Điều này bổ sung thêm cho một tình huống vốn đã gay cấn trong thời gian qua là khủng hoảng thiếu container rỗng ở khắp các châu lục.
Hiện nguồn cung và nhu cầu thế giới đối với hai mặt hàng ngô và đậu tương vẫn rất eo hẹp, với giá ngô ở Brazil trên 8 USD/bushel (27kg) và tại Trung Quốc dao động ở mức 10 - 11 USD/bushel.
Ước tính sản lượng ngô tại khu vực Nam Mỹ và Mỹ giai đoạn 2014-2021 (đơn vị triệu bushel). Đồ họa: USDA
Các chuyên gia thị trường đều không nhận thấy dấu hiệu về khả năng giảm giá các mặt hàng này trong ngắn hạn. “Tôi không nghĩ rằng giá ngô và đậu tương sẽ giảm xuống. Khi nói đến cung và cầu thế giới về protein, nhất là ngô và đậu tương sẽ khó có thể hạ giá sớm nhất là sau vụ thu hoạch năm sau của Mỹ”, ông Doud nói.
Hiện xuất khẩu của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục và tin tốt là xuất khẩu nông sản của nền kinh tế số một thế giới sang tất cả các thị trường khác, ngoài Trung Quốc đều tăng mạnh, nhằm đảm bảo không phải tất cả trứng đều nằm trong một giỏ.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu với mức giá hiện tại, với các thị trường như Philippines và Indonesia đối với thịt và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi thì các quốc gia này có thể tiếp tục duy trì khối lượng mà họ đang mua hiện nay hay không?
Theo ông Doud, dấu hiệu để nhận biết các giao dịch có giảm hay không cần phải thông qua phép thử giá. Nếu họ có đủ khả năng chi trả, Mỹ sẽ vẫn đáp ứng tốt trong một thời gian dài.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/nhu-cau-nong-san-vo-day-cua-trung-quoc-d302649.html